Lịch sử Hồng_Ngự_(thành_phố)

Nguồn gốc tên gọi

Theo Đại Nam thực lục, dưới thời Gia Long (1802-1820), nhà nước phong kiến nhà Nguyễn có thành lập hai đội binh mang phiên hiệu Hùng Ngự 1 và Hùng Ngự 2 phụ trách an ninh biên giới Tây Nam của Nam Bộ. Đội Hùng Ngự 1 đóng cách vàm rạch Đốc Vàng Thượng 10 trượng, gọi là thủ sở “Hùng Ngự”. Đội Hùng Ngự 2 đóng ở phía Tây vàm sông Lễ Công (sông Ông Chưởng).

Năm 1818, để ổn định biên giới, vua Gia Long cho dời đạo thủ Tân Châu lên cù lao Long Sơn (cù lao Cái Vừng tức Long Thuận, Phú Thuận bây giờ), dời đạo thủ Chiến Sai (vùng Kiến An ngày nay) đến vàm trên sông Hiệp Ân (tức sông Sở Thượng, đồn biên phòng 913 hiện nay) và thủ sở Hùng Ngự ở Đốc Vàng Thượng được dời lên bờ dưới vàm sông Hiệp Ân (tức ngay thị trấn Hồng Ngự bây giờ).

Theo sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, tại đây – phía đông sông Hiệp Ân – có xây một thành bằng đất, gọi là thành đất Hùng Ngự, chu vi 36 trượng 2 thước, cao 4 thước, có hai cửa. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), tại đây có đặt trạm quan thuế.

Trong quá trình giao tiếp, theo quy luật thuận thịnh âm, qua năm tháng Hùng Ngự được nói trại đi thành Hồng Ngự. Như vậy, cũng như Thông Bình, Tân Châu, Chiến Sai… Hùng Ngự ban đầu là phiên hiệu của một thủ sở biên phòng ngày xưa, khi dời chỗ mới vẫn giữ nguyên tên cũ và lâu ngày trở thành địa danh.

Lịch sử hành chính

Trước năm 2008

Trước năm 2008, thành phố Hồng Ngự ngày nay là một phần huyện Hồng Ngự. Huyện lỵ huyện Hồng Ngự khi đó là thị trấn Hồng Ngự.

Sau năm 2008

Ngày 23 tháng 12 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hồng Ngự để thành lập thị xã Hồng Ngự và các phường thuộc thị xã Hồng Ngự[1]. Theo đó:

  • Thành lập thị xã Hồng Ngự trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Hồng Ngự và 4 xã: An Bình A, An Bình B, Bình Thạnh, Tân Hội; một phần diện tích và dân số của xã Thường Lạc thuộc huyện Hồng Ngự
  • Giải thể thị trấn Hồng Ngự để thành lập 2 phường An Lộc và An Thạnh
  • Thành lập phường An Lạc trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Thường Lạc.

Sau khi thành lập, thị xã Hồng Ngự có 12.216 ha diện tích tự nhiên và 74.569 người với 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 3 phường và 4 xã.

Ngày 19 tháng 12 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký quyết định công nhận thị xã Hồng Ngự là đô thị loại III.[4]

Ngày 18 tháng 9 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1003/NQ-UBTVQH14 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2020)[2]. Theo đó:

  • Thành lập 2 phường An Bình A và An Bình B trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của 2 xã có tên tương ứng
  • Thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở toàn bộ 121,84 km² diện tích tự nhiên và 100.610 người của thị xã Hồng Ngự.

Sau khi thành lập, thành phố Hồng Ngự có 5 phường và 2 xã như hiện nay.